MTA là trường gì? Chương trình đào tạo và tuyển sinh
Học viện Kỹ thuật quân sự (MTA) là một trong những trường đại học đặc biệt nhất không chỉ miền Bắc mà còn ở Việt Nam. Hãy cùng Onca cùng đi tìm hiểu các thông tin về trường này nhé!
MTA là trường gì?
Học viện Kỹ thuật Quân sự (tiếng Anh: Military Technical Academy – MTA), hay còn gọi là Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, là trường đại học trọng điểm quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Học viện có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật, chỉ huy tham mưu kỹ thuật có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho quân đội. Đồng thời, Học viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự, kết hợp nghiên cứu với triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sản xuất và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.
Lịch sử phát triển
- Ngày 08/08/1966 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 146-CP thành lập Phân hiệu II Đại học Bách Khoa.
- Ngày 28/10/1966, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Phân Hiệu II Đại học Bách Khoa đồng thời khai giảng khóa đào tạo 1 tại Thủ đô Hà Nội. Từ đó tới nay, ngày 28/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Nhà trường.
- Ngày 18/6/1968, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 88-CP chuyển “Phân hiệu II Đại học Bách khoa” thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp thành “Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự” thuộc Bộ Quốc phòng.
- Ngày 15/12/1981, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Học viện Kỹ thuật Quân sự trên cơ sở trường Đại học Kỹ thuật Quân sự.
- Ngày 06/5/1991: Thủ tướng Chính phủ quyết định cho Học viện Kỹ thuật Quân sự được sử dụng tên dân sự Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn với 2 nhiệm vụ đào tạo quân sự và dân sự.
- Ngày 31/1/2008, Học viện Kỹ thuật Quân sự được Chính phủ quyết định đưa vào danh sách 15 trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam.
Đội ngũ cán bộ giảng viên và cơ sở vật chất
Học viện Kỹ thuật quân sự là đại học nghiên cứu, được tổ chức theo mô hình trường đại học kỹ thuật tổng hợp, vừa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại vào thiết kế, chế tạo, sản xuất và khai thác sử dụng vũ khí, khí tài, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật quân sự, cũng như phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Đội ngũ cán bộ giảng viên
Hơn 1300 cán bộ với hơn 900 giảng viên, trong đó:
- Gần 100 giảng viên được phong học hàm Giáo sư, Phó giáo sư;
- Gần 500 cán bộ đạt học vị Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ chuyên ngành;
- 50 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú.
Cơ sở vật chất
Hệ thống các giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm,khu giáo dục thể chất, ký túc xá…; các trang thiết bị nghiên cứu và giảng dạy hiện đại, đồng bộ phù hợp với chương trình đào tạo Học viện đang áp dụng, cụ thể: hơn 200 giảng đường, phòng đào tạo từ xa, phòng thí nghiệm, sân vận động, bể bơi…
Thư viện với trên 2000 m2 sử dụng với 76.000 đầu sách, cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng thông tin trang bị đồng bộ, có hệ thống phòng đọc, phòng tra cứu Internet. Hệ thống thư viện điện tử với nhiều cơ sở dữ liệu giáo trình,tài liệu, máy chủ và máy trạm khai thác dữ liệu trực tuyến trên Internet…
Các chi nhánh:
- Cơ sở 1: 236 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
- Cơ sở 2: Đường Mê Linh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
- Cơ sở 3: 71 Đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
- Cơ sở 4: Kiều Mai, Phú Diễn 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Chương trình đào tạo đại học
Thời gian đào tạo là 5 năm, mỗi năm 2 học kỳ. Đào tạo về Các môn học khối kiến thức cơ bản, Các môn học khối cơ sở ngành và chuyên ngành, Các môn học khối kiến thức chuyên ngành theo hướng đào tạo, Khối kiến thức về Khoa học xã hội – Nhân văn và Giáo dục quốc phòng.
Hiện nay, Học viện đào tạo 45 chuyên ngành quân sự thuộc các ngành/lĩnh vực: Điện tử truyền thông; Điện-Điện tử; Điều khiển và Tự động hóa; Kỹ thuật máy tính; Khoa học máy tính; Hệ thống thông tin; Mạng máy tính; Công nghệ phần mềm; An ninh, An toàn thông tin; Công nghệ thông tin; Toán-Tin học; Địa-Tin học; Hàng không vũ trụ; Cơ khí; Vũ khí; Động lực; Xây dựng; Công trình giao thông;; Hóa học; Vật liệu; Môi trường; Cơ – Điện tử; Quang học và Quang – Điện tử;…
Thông tin tuyển sinh
Thời gian nhận hồ sơ
Theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng.
Hồ sơ xét tuyển
Hồ sơ sơ tuyển: Thí sinh đăng ký và làm hồ sơ sơ tuyển tại Ban TSQS các đơn vị quận, huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh) nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú.
Hồ sơ xét tuyển: Thí sinh đăng ký xét tuyển theo hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại trường THPT (Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT), thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển HSG THPT:
+ Xét tuyển thẳng:
- Phiếu đăng ký xét tuyển thẳng theo mẫu cuat Bộ GD&ĐT.
- Giấy tờ minh chứng thuộc diện xét tuyển thẳng (Chứng nhận là thành viên được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế; Giấy chứng nhận đoạt giải kỳ thi chọn HSG quốc gia).
- 02 phong bì đã dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh; 02 ảnh chân dung cỡ 4 x 6.
- Thí sinh làm 01 bộ hồ sơ xét tuyển thẳng nộp về Sở GD&ĐT theo quy định của Bộ GD&ĐT và nộp 01 bản sao hợp lệ hồ sơ xét tuyển thẳng về Ban TSQS cấp huyện (cùng với hồ sơ sơ tuyển).
+ Đăng ký ưu tiên xét tuyển:
- Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển theo mẫu của Bộ GD&ĐT.
- Giấy chứng minh thuộc diện ưu tiên xét tuyển (Giấy chứng nhận đoạt giải kỳ thi chọ HSG quốc gia).
- Thí sinh đăng ký ưu tiên xét tuyển phải đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định và phải nộp hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển tại Sở GD&ĐT.
+ Hồ sơ đăng ký xét tuyển HSG THPT
- Phiếu đăng ký xét tuyển thẳng theo mẫu của Bộ GD&ĐT.
- Giấy tờ chứng minh diện xét tuyển HSG THPT: Giấy chứng nhận đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi HSG cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương); chứng nhận kết quả điểm ngoại ngữ IELTS hoặc TOEFL iBT.
- Bản sao hợp lệ học bạ 3 năm học THPT.
- 02 phong bì đã dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh; 02 ảnh chân dung cơ 4×6.
- Thí sinh làm 01 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển HSG THPT nộp về Ban TSQS cấp huyện (cùng với hồ sơ sơ tuyển).
Đối tượng tuyển sinh
- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT.
- Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo kỹ sư quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng (thanh niên ngoài Quân đội sơ tuyển tại Ban TSQS cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại Ban TSQS cấp trung đoàn và tương đương).
Phạm vi tuyển sinh
Tuyển thí sinh nam, nữ trong cả nước (Thí sinh có hộ khẩu miền Bắc: tính từ Quảng Bình trở ra; miền Nam: tính từ Quảng Trị trở vào).
Phương thức tuyển sinh
Phương thức xét tuyển
Xét tuyển trên cơ sở kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Chú ý: Để được tham gia xét tuyển, xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đầy đủ 2 bước sau:
Bước 1: Đăng ký sơ tuyển tại Ban chỉ huy Quân sự cấp quận (huyện) nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú và được kết luận đủ điều kiện về chính trị, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi…
Bước 2: Tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và đăng ký xét tuyển nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Chính sách ưu tiên và xét tuyển thẳng
Ưu tiên khu vực và đối tượng: Thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2022.
Các đối tượng thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển HSG bậc THPT.
Học phí
Thí sinh trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự được bao cấp về kinh phí đào tạo và phụ cấp sinh hoạt theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Trên đây là một số thông tin về Học viện Kỹ thuật Quân sự (MTA) mà Onca đã tổng hợp được. Hy vọng sẽ giúp cho các bạn đọc có thêm thông tin về trường này.